Lượt xem: 609

Góp ý Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV

Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (gọi tắt là Báo cáo Chính trị), bài viết nêu một số góp ý với hai vấn đề chính: (1) Chủ đề của Báo cáo Chính trị; (2) Góp ý nội dung phần “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị” trong Báo cáo Chính trị.


Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giới thiệu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

    Vấn đề thứ nhất, về chủ đề của Báo cáo Chính trị

    Chủ đề (tiêu đề) của Báo cáo Chính trị được hiểu là những định hướng lớn, có tính chỉ đạo tư tưởng và hành động của Đảng bộ, quân và dân; là mục tiêu, động lực phát triển của Đảng bộ; đồng thời khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà trong nhiệm kỳ tới.

    Với ý nghĩa đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII xây dựng chủ đề Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV là “Tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết, sự năng động, sáng tạo của Nhân dân; đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh trong nhiệm kỳ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước”.

    Nhìn tổng quát, việc xác định tiêu đề nói trên vừa thể hiện sự kế thừa, phát triển chủ đề của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII, phù hợp với định hướng phát triển chung của đất nước, vừa phản ánh đúng tình hình và kỳ vọng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà những năm tới. Tuy nhiên, trong 5 thành tố cấu thành tiêu đề nói trên, có 3 thành tố đầu cần cân nhắc một số cụm từ (gắn với nó là nội dung) để bảo đảm tính logic, khoa học và thực tiễn. Cụ thê là:

    (1) Thành tố tứ nhất: “Tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Theo thiển nghĩ cá nhân, không nên dùng cụm từ “tăng cường”, vì bản thân cụm từ này chỉ mang “định tính”, không là tiêu chí “định lượng” nên sẽ không có cơ sở cụ thể để xem xét, đánh giá trong tiễn. Về nội dung “xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, cũng cần cân nhắc thêm, vì “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức thì đã rõ, được Đảng ta bàn và khẳng định trong nhiều văn kiện, và Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng sắp tới tiếp tục khẳng định vấn đề này. Riêng về  xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” thì phải cân nhắc thêm, vì không thể thực hiện trong thực tế. Bởi, hệ thống chính trị ở nước ta, ngoài Đảng còn có Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, Liên Đoàn lao động, Hội Liên hiệp phụ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên. Những tổ chức này liệu có đạt được tiêu chí “trong sạch” trong thực tiễn? Thực tế, trong các văn kiện của mình, Đảng ta thường nêu về hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh … Vậy nên, thành tố thứ nhất nên chăng sửa lại là: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị năng động, sáng tạo, hiệu quả”.

    (2) Thành tố thứ hai: “phát huy sức mạnh đại đoàn kết, sự năng động, sáng tạo của Nhân dân”. Ở đây, cần thêm 2 từ “dân chủ” sau chữ “phát huy, đồng thời bỏ 5 từ “sự năng động, sáng tạo” trong thành tố thứ hai.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chỉ rõ: dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa; Nhân dân là người làm chủ đất nước; “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, bản chất của dân chủ tức là dân là chủ và dân làm chủ; Nhân dân là người chủ đối với xã hội, đất nước và là chủ thể của quyền lực…

    Thực tiễn công cuộc đổi mới ở nước ta những năm qua cũng chỉ rõ: quyền dân chủ của Nhân dân không ngừng được mở rộng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, của xã hội, nhất là dân chủ về kinh tế. Trên lĩnh vực chính trị, quyền tham gia quản lý nhà nước của Nhân dân và các đoàn thể quần chúng ngày càng được mở rộng về phạm vi và phong phú, đa dạng về hình thức. Khi dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân được thực hiện và phát huy thì sức mạnh, sự năng động, khả năng sáng tạo của nhân trở thành động lực của sự phát triển. Song, vấn đề dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi còn hình thức, bị vi phạm.

    Từ sự phân tích trên, thành tố thứ hai nên điều chỉnh thành: “phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết của Nhân dân”.

    (3) Thành tố thứ ba: “đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ”. Vấn đề đổi mới toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội là yêu cầu khách quan, cấp bách hiện nay. Trong đó, lĩnh vực kinh tế vẫn là trung tâm, cần tập trung các nguồn lực cho phát triển kinh tế toàn diện, đồng bộ. Cách đặt vấn đề như vậy không có nghĩa là không quan tâm đổi mới các lĩnh khác. Bởi vì, một mặt, các lĩnh vực khác đã được đề cập trong thành tố thứ nhất, thứ hai và thứ tư. Mặt khác, khi kinh tế phát triển bền vững sẽ là động lực và nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác. Và, phát triển kinh tế không có mục tiêu nào khác là chăm lo cho con người ngày một tốt hơn cả về đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Với nhận thức như vậy, kiến nghị thay cụm từ “đẩy mạnh đổi mới” bằng cụm từ “phát triển kinh tế” và bổ sung cụm từ “chăm lo an sinh xã hội” sau cụm từ “toàn diện, đồng bộ” (sau khi bỏ chữ “và”). Như vậy, thành tố thứ ba của tiêu đề Báo cáo Chính trị nên điều chỉnh là: “phát triển kinh tế toàn diện, đồng bộ, chăm lo an sinh xã hội”.

    Tóm lại, từ những trình bày trên, tiêu đề (chủ đề) Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nên điều chỉnh là “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị năng động, sáng tạo, hiệu quả; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết của Nhân dân; phát triển kinh tế toàn diện, đồng bộ, chăm lo an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh trong nhiệm kỳ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước”.

    Vấn đề thứ hai, một số góp ý nội dung phần “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị” trong Báo cáo Chính trị.

    Nhìn tổng thể, nội dung phần đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế nguyên nhân hạn chế trong nhiệm kỳ qua về công tác xây dựng hệ thống chính trị như trong Báo cáo Chính trị là phù hợp, phản ánh đúng thực trạng, sát với tình hình thực tế. Đặc biệt là chỉ ra nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền và sự phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị. Trong đó, cần làm rõ thêm và nhấn mạnh:

    (1) “Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy. Sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp… chưa đúng mức cho nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá. Công tác tham mưu của một số ngành chuyên môn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới”.

    (2) Việc tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị chưa có chuyển biến thực chất.

    (3) Công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên nhiều nơi còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm; thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh hoặc không thể hiện chính kiến của mình.

    (4) Ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ, tính nêu gương tốt của cán bộ, công chức (kể cả cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý) còn hạn chế; nói chưa đi đôi với làm; bệnh hình thức, bệnh thành tích, “tham nhũng vặt” còn nặng; bệnh tham vọng quyền lực, quan liêu, mất dân chủ hay dân chủ hình thức, vô cảm … còn xảy ra ở nhiều nơi.

    (5) Chất lượng sinh hoạt các loại hình chi bộ còn hạn chế, hình thức, chưa coi trọng công tác giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống và quan hệ xã hội của đảng viên.

    (6) Việc kê khai tài sản hàng năm cũng như trước khi ứng cử, bầu cử của cán bộ, đảng viên, công chức theo quy định của Đảng được đặt ra và thực hiện, nhưng chưa coi trọng và chưa có cơ chế kiểm tra, đánh giá các bản kê khai tài sản đó. Đây là kẻ hở lớn, là lỗ hỏng để tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi tồn tại và phát triển, tạo bất công, bất bình đẳng về thu nhập thực tế, về nghĩa vụ và quyền lợi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước hiện nay.

    (7) Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ chủ chốt chưa đáp ứng yêu cầu; công tác tham mưu của một số ngành chuyên môn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Mặt khác, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ít chịu khó lắng nghe mà thích ra lệnh cho cấp dưới, cho cán bộ, cơ quan, ngành chuyên môn; ngược lại, cán bộ, cơ quan tham mưu thích nhận lệnh hơn nghiên cứu, đề xuất.

    Về nhiệm vụ, giải pháp xây dựng hệ thống chính trị khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, có kế thừa, phát triển các nhiệm kỳ Đại hội trước, đặc biệt là thể hiện sự quyết tâm trong xây dựng, chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền như: Kiên quyết … miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp …. Điều đó cũng vừa phản ánh kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh, vừa đúng với chỉ đạo của Đảng và phù hợp những định hướng lớn của Đảng thể hiện trong Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Ngoài ra, có một số nội dung cần làm rõ và thực hiện quyết liệt hơn, (phần chữ nghiêng là bổ sung thêm):

    Một là, ở mục 5, “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể”, nên tách ra thành hai mục riêng để thấy rõ vị trí, vai trò của các chủ thể trong thực tiễn cuộc sống. Cụ thể:

    5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.

    6. Nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội”.

    Từ đó, mục 6, trong Báo cáo Chính trị thành mục 7. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên

    Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức học tập quán triệt nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, của Tỉnh ủy, chích sách, pháp luật của Nhà nước theo phân cấp quản lý cán bộ của Đảng (tức chọn nội dung, phương pháp truyền đạt phù hợp với nhu cầu cần của đảng viên ở từng cấp, từng lĩnh vực) gắn với tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ nghĩa yêu nước và truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc; bản chất chống cộng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch để nâng cao nhận thức, lòng yêu nước và ý thức thực giác thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và quê hương; qua đó, nâng cao cảnh giác, đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của địch, ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

    Ba là, thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình gắn với đánh giá cán bộ, công chức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, minh bạch, khách quan, trung thực, công tâm, đúng người, đúng việc; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh hoặc lợi dụng tự phê bình và phê bình, đánh giá cán bộ, công chức để vụ lợi hay vì mục đích không trong sáng.

    Bốn là, thực hiện nghiêm quy định của Đảng về những điều cán bộ, đảng viên không được làm và quy định về vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, các ngành.

    Năm là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ tham mưu các cấp, các ngành có tâm, đủ tầm và trách nhiệm với công vụ được phân công. Đồng thời, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng phù hợp để phục vụ khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh.

Trương Minh Lưu - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 115
  • Hôm nay: 5606
  • Trong tuần: 72,926
  • Tất cả: 11,857,115